Chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022-2025
Chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022-2025
Quy định mới về nâng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức

CTTĐT - Từ ngày 15/8/2021, quy định nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được áp dụng với nhiều điểm mới tại Thông tư 03/2021/TT-BNV (sửa đổi Thông tư 08/2013/TT-BNV). Ông Đỗ Đức Cảnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh nhằm thông tin để nhân dân hiểu rõ hơn về những điểm mới này.
Câu hỏi 1:

BTV: Từ ngày 15/5/2021, quy định nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được áp dụng với nhiều điểm mới tại Thông tư 03/2021/TT-BNV (sửa đổi Thông tư 08/2013/TT-BNV). Cụ thể, đối tượng hưởng chế độ nâng bậc lương theo quy định mới có những thay đổi gì, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Cảnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ:
Ngày 29 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BNV sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.
Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa các nội dung mới của Thông tư số 03/2021/TT-BNV tại Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2021 ban hành Quy định về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
Thông tư 03/2021/TT-BNV có một số điểm mới, trong đó có quy định mới về đối tượng hưởng chế độ nâng bậc lương như: Khoản 1 Điều 1 Thông tư 03 quy định như sau: “Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận trong hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”.
Hiện nay, đối tượng áp dụng của chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước hạn nêu tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành.
Có thể thấy, quy định mới tại Thông tư 03/2021/TT-BNV giúp dễ dàng xác định đối tượng áp dụng của chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước hạn với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Như vậy, đối tượng đáp ứng đồng thời hai điều kiện sau đây thì mới thuộc diện xét nâng bậc lương:
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập;
- Trong hợp đồng lao động có thỏa thuận về chế độ tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Câu hỏi 2:
BTV: Theo quy định mới, tiêu chuẩn nâng bậc lương của cán bộ, công chức, viên chức được quy định ra sao?
Ông Đỗ Đức Cảnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ:
Theo quy định mới thì tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
- Đối với cán bộ, công chức:
+ Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
+ Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
- Đối với viên chức và người lao động:
+ Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
+ Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Câu hỏi 3:
BTV: Thưa ông, về thời gian được xét, không tính xét nâng lương có những điểm mới nào đáng chú ý?
Ông Đỗ Đức Cảnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ:
- Về thời gian được tính xét nâng bậc lương thường xuyên: Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV bổ sung thêm trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên là thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.
- Về thời gian không tính xét nâng bậc lương thường xuyên: Bên cạnh việc bổ sung thời gian được tính để xét nâng bậc lương thì khoản 3 Điều 1 còn bổ sung một số thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:
- Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).
Đây không phải quy định mới vì trước đó đã được đề cập đến tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng viên chức và khoản 2 Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng công chức. Tuy nhiên, quy định này chưa được nêu tại Thông tư 08/2013/TT-BNV về chế độ nâng bậc lương thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, việc bổ sung trường hợp này ở Thông tư 03/2021/TT-BNV đã thống nhất quy định của các văn bản về cán bộ, công chức, viên chức.
- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Bởi theo khoản 2 Điều 22 Luạt Nghĩa vụ quân sự năm 2015, thời gian đào ngũ không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ. Do đó, đây cũng không là thời gian được tính vào thời gian nâng bậc lương thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức.
- Thời gian thử thách với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Nếu thời gian này ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên thì tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.
- Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
Câu hỏi 4:
BTV: Quy định về thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên có thay đổi gì không, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Cảnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ:
Quy định về thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên có một số thay đổi như:
- Thứ nhất, trước đây người lao động bị kỷ luật khiển trách thì bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên 03 tháng, theo quy định mới người người lao động bị kỷ luật khiển trách thì bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên 06 tháng.
- Thứ hai, bổ sung thêm nội dung trước đây chưa quy định về kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên đó là: Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng theo quy định.
- Thứ ba, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật hành chính quy định.
Câu hỏi 5:
BTV: Quy định nâng bậc lương trước hạn do lập thành tích xuất sắc được Thông tư 03/2021/TT-BNV sửa đổi, bổ sung như thế nào?
Ông Đỗ Đức Cảnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ:
Không chỉ quy định về nâng bậc lương thường xuyên mà nâng bậc lương trước hạn do lập thành tích xuất sắc cũng được Thông tư 03/2021/TT-BNV sửa đổi, bổ sung.
Số lần được nâng bậc lương trước hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định như sau: Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh.
Tuy nhiên, khoản 6 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV nêu rõ: Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
 
Phỏng vấn ông Bùi Trung Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Yên Bái về thay thế thẻ ATM công nghệ từ bằng thẻ ATM gắn chíp
CTTĐT - Theo thông tư 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, thẻ ATM từ sẽ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc từ sau ngày 31/12/2021. Các ngân hàng đã dừng phát hành thẻ ATM công nghệ từ và thay thế hoàn toàn bằng thẻ ATM gắn chíp mới. Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Yên Bái có cuộc trả lời phỏng vấn trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh nhằm thông tin để nhân dân hiểu rõ hơn về quy định này.
BTV: Xin ông cho biết tại sao phải chuyển đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ ATM gắn chip? Thẻ ATM công nghệ từ và thẻ ATM gắn chip mới khác nhau thế nào?
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Yên Bái:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra lộ trình việc phải chuyển đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ ATM gắn chip nhằm mục tiêu thực hiện Kế hoạch hiện đại hóa ngành ngân hàng, phát triển ngân hàng điện tử trong đó có thực hiện hiện đại hóa các nghiêp vụ thanh toán. Bên cạnh đó, hiện nay công nghệ phát triển, các tội phạm công nghệ trong đó có tội phạm liên quan đến các hoạt động thẻ có xu hướng ngày càng tinh vi và gia tăng nên việc chuyển đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ ATM gắn chip để nâng cao khả năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân, bảo mật tài liệu, thông tin thẻ, giao dịch thẻ và tài khoản của chủ thẻ; đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro cho giao dịch thẻ; bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động thẻ.
- Thẻ ATM công nghệ từ và thẻ ATM gắn chip mới khác nhau ở các yêu cầu kỹ thuật thẻ. Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa phải được thực hiện theo Bộ Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2018/NHNNVN về Các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc tại Việt Nam và TCCS 02:2018/NHNNVN về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip không tiếp xúc tại Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố theo Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 05 tháng 10 năm 2018. Cụ thể:
+ Thẻ ATM công nghệ từ là thẻ có chứa dải băng từ với nhiệm vụ lưu trữ thông tin đã được mã hóa của khách hàng. Dữ liệu trên thẻ từ được lưu trữ cố định trên dải từ (mặt sau thẻ) và chỉ được mã hóa một lần, vì vậy dễ dẫn đến rủi ro đánh cắp thông tin thẻ và gian lận giao dịch.
+ Thẻ ATM gắn chip có gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ. Mỗi khi thẻ chip được dùng để thanh toán, chip sẽ tạo ra một mã giao dịch độc nhất và không bao giờ lặp lại. Trong trường hợp thẻ của khách hàng bị đánh cắp thông tin từ một nơi nào đó thì thẻ giả sẽ không hoạt động được vì mã giao dịch bị trộm sẽ không dùng lại được
BTV: Cách thức và thủ tục đổi thẻ như thế nào? Người dùng có mất phí đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ ATM gắn chip hay không? Phí thực hiện giao dịch khi sử dụng thẻ chip có cao hơn khi dùng thể từ hay không, thưa ông?
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Yên Bái:
- Cách đổi thẻ có nhiều cách như đến trực tiếp nơi ngân hàng giao dịch hoặc sử dụng các ứng dụng trên Mobile Banking của các chi nhánh ngân hàng. Thủ tục đổi thẻ rất đơn giản, nhanh, thuận tiện cho khách hàng đó là:
+ Nếu trực tiếp tại quầy giao dịch ngân hàng, khách hàng mang Thẻ CCCD hoặc CMTND, điền vào mẫu đơn đề nghị Đổi thẻ/Mở mới thẻ ATM gắn chip.
+ Nếu thực hiện trên Mobile Banking thì đơn giản hơn, không cần đến quầy giao dịch các chi nhánh ngân hàng mà chỉ cần thao tác trên phần mềm Mobile Banking của từng ngân hàng theo đúng các bước hướng dẫn trên đó là ngân hàng sẽ đổi thẻ hoặc cấp thẻ mới cho khách hàng.
- Phí đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ ATM gắn chip hoặc cấp mới thẻ ATM gắn chíp được quy định theo áp dụng theo biểu phí thẻ của từng chi nhánh ngân hàng quy định; có thể mất phí như đối với việc Đổi thẻ/ Mở thẻ ATM mới hoặc có thể được các chi nhánh ngân hàng ưu đãi miễn giảm phí tùy từng thời điểm và mục đích kinh doanh của từng chi nhánh ngân hàng.
- Phí thực hiện giao dịch khi sử dụng thẻ chip vẫn được duy trì và không cao hơn khi dùng thẻ từ.
BTV: Hiện công tác chuyển đổi thẻ tại tỉnh Yên Bái được diễn ra như thế nào? Đạt được bao nhiêu phần trăm kế hoạch?
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Yên Bái:
Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã và đang triển khai thực hiện việc đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ ATM gắn chip theo đúng lộ trình chuyển đổi đối với tổ chức phát hành thẻ như Ngân hàng Nhà nước đã quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Các chi nhánh thương mại đã chủ động giới thiệu, tư vấn cho khách hàng về quy định của Ngân hàng Nhà nước, những thuận lợi, tính ưu việt của thẻ ATM gắn chip trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, trong giao dịch và đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành ngân hàng. Có những chính sách ưu đãi như miễn giảm phí cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đổi thẻ sớm, cho đơn vị mở nhiều thẻ là khách hàng truyền thống của ngân hàng… Đến nay, trên địa bàn tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã thực hiện Đổi/ Mở mới thẻ ATM gắn chip được gần 70% khách hàng có sử dụng thẻ.
BTV: Quy trình hoạt động của thẻ ATM gắn chip ra sao, thưa ông? Để bảo mật tài khoản của mình, người dùng cần lưu ý gì khi sử dụng?
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Yên Bái:
Quy trình hoạt động của thẻ ATM gắn chip vẫn giống như với thẻ ATM công nghệ từ.
1. Khách hàng Mở thẻ/ Đổi thẻ.
2. Ngân hàng trả thẻ và kích hoạt thẻ cho khách hàng khi khách hàng nhận trực tiếp hoặc gửi về địa chỉ khách hàng yêu cầu khi Mở thẻ/ Đổi thẻ.
3. Khách hàng sử dụng thẻ tại các điểm chấp nhận thẻ như máy rút tiền ATM, các POS thanh toán, mPOS… (khi thẻ ATM chip được dùng để thanh toán, chip sẽ tạo ra một mã giao dịch độc nhất và không bao giờ lặp lại).
 Để bảo mật tài khoản của mình, người dùng cần lưu khi sử dụng thẻ ATM gắn chip đó là: Bảo quản tốt thẻ cá nhân, tuyệt đối không cho mượn hay hạn chế để quên, để lộ các thông tin thẻ khi giao dịch tại các điểm chấp nhận thẻ.
BTV: Xin cảm ơn ông với thông tin chia sẻ ngày hôm nay trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
 
Phỏng vấn bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc sở Y tế trong công tác phòng, chống covid-19 của tỉnh Yên Yái
Trước tình hình dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, một số tỉnh lân cận giáp tỉnh Yên Bái cũng đã có những ca nhiễm trong cộng đồng. Vậy ngành y tế tỉnh Yên Bái đã có những giải pháp gì ứng phó trong thời gian tới. Đó chính là nội dung cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc sở Y tế, phó BCĐ Phòng chống COVID-19 tỉnh Yên Bái trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

Câu hỏi số 1:

BTV: Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, xin bà có thể cho biết tình hình trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay như thế nào? Tỉnh Yên Bái đã triển khai những biện pháp gì để khoanh vùng, ngăn chặn nguồn lây thưa bà?

* Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc sở Y tế:

Đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái chưa có ca F0 nào khởi phát và lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số đã ghi nhận 27 ca mắc COVID-19 (đây đều là các ca mắc được cách ly ngay khi về địa bàn tỉnh). Trong đó 26 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện, còn lại 01 ca đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, sức khỏe ổn định.
Từ 27/4/2021 đến nay toàn tỉnh đã thực hiện: Quản lý và áp dụng cách ly y tế: 24.364 trường hợp (817 trường hợp đi từ các điểm theo thông báo khẩn và vùng phong tỏa về địa phương, 21.242 người đi từ vùng dịch về tỉnh Yên Bái, 261 F1, 2.044 F2) hiện còn 814 trường hợp đang cách ly tập trung, 1.629 trường hợp cách ly tại nhà, 3.751 người đang theo dõi, các trường hợp còn lại đã hoàn thành cách ly và theo dõi sức khỏe..
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, tại một số tỉnh, thành phố đặc biệt các tỉnh giáp ranh, cùng khu vực đã ghi nhận những chùm nhiều ca mắc bệnh COVID-19 trong cộng đồng như:  Phú Thọ, Hà Nội, Hà Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Điện Biên… Tỉnh Yên Bái đã ban hành các văn bản chỉ đạo tiếp tục siết chặt việc kiểm soát người từ tỉnh ngoài về/đến địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt là tại cộng đồng,  các tổ tự quản phòng chống dịch COVID-19 tại các thôn, bản tổ dân phố, tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kiểm soát, nắm tình hình các trường hợp đi từ ngoài tỉnh trở về địa phương để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời nguồn bệnh (nếu có).  Đồng thời quản lý người cách ly chặt chẽ, ở khu cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà. Tăng cường rà soát, kiểm tra và tự kiểm tra các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nhà máy, siêu thị, trường học, bệnh viện,... về các tiêu chí an toàn phòng chống COVID. Chỉ định lấy mẫu xét nghiệm tầm soát bằng kỹ thuật RT- PCR tại các khu vực và đối tượng có nguy cơ cao theo quy định.

Câu hỏi số 2:

BTV: Đối với người đến/về tỉnh Yên Bái từ các tỉnh ngoài xin bà cho biết biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 cụ thể ra sao?

* Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc sở Y tế:

Để kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh  đã ban hành Công văn số 3651/BCĐ-VX ngày 15/10/2021; Công văn số 2167/BCĐ-VPTT ngày 22/10/2021 và Công văn số 3876/BCĐ-VX ngày 02/11/2021. Đối với người đến/về tỉnh Yên Bái từ các tỉnh ngoài, yêu cầu thực hiện nghiêm túc 5K của Bộ Y tế, chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Yên Bái và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc khai báo y tế của mình. Một số nội dung chính:
- Người dân đến hoặc về tỉnh Yên Bái từ các địa phương có dịch nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng cam và vùng đỏ) phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm RT- PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 chưa quá 72h (trường hợp không có giấy xét nghiệm thì xét nghiệm test nhanh tại chốt kiểm dịch y tế). Đồng thời thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại chốt kiểm dịch y tế liên ngành.
- Đối với các trường hợp đến từ các địa phương có dịch nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp (vùng vàng, vùng xanh) sẽ không phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 tại chốt kiểm dịch y tế liên ngành (trừ đối với khách du lịch đến từ vùng vàng).

Câu hỏi số 3:

BTV: Tỉnh Yên Bái đã tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19, xin bà cho biết đến thời điểm hiện tại bao nhiêu người dân, địa phương đã được triển khai tiêm phòng. Kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 tiếp theo như thế nào?

* Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc sở Y tế:

Từ khi triển khai (22/4/2021) đến 01/11/2021 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 12 đợt chiến dịch tiêm chủng, triển khai tiêm 795.355 liều vắc xin cho 489.757 người (chiếm 96,7% đối tượng tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên thực tế có mặt tại tỉnh), trong đó 305.598 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin (chiếm 60,2% đối tượng tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên thực tế có mặt tại tỉnh), tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố.
Hiện nay, Sở Y tế đang tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 đến 17 tuổi và hạ dần theo độ tuổi) và theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế. Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, tỉnh Yên Bái sẽ được Bộ Y tế phân bổ vắc xin để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho lứa tuổi 16 -17 tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Câu hỏi số 4:

BTV: Bà có khuyến cáo gì tới người dân trước diễn biến hình dịch COVID-19 hiện nay?

* Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế:

Hiện nay, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu “nới lỏng” các biện pháp phòng, chống dịch và triển khai thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch dần được khôi phục. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, mỗi người dân Yên Bái cần thực hiện nghiêm như sau:

1. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác;

2. Nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân;

3.Thực hiện nghiêm 5K (đặc biệt đeo khẩu trang ở nơi công cộng);

4. Chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của tỉnh Yên Bái (như khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, cách ly y tế)

5. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay khi đến lượt;

6. Hạn chế di chuyển đến các địa phương đang có dịch cộng đồng để tự bảo bảo vệ mình, bảo vệ  cho người thân và toàn xã hội trước dịch bệnh COVID-19.

BTV: Xin cảm ơn bà với thông tin chia sẻ ngày hôm nay trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.